Con đường thăng tiến Kraft_zu_Hohenlohe-Ingelfingen

Sau khi phục vụ như một tùy viên quân sự ở Áo và tại biên giới Transilvania trong cuộc Chiến tranh Krym [5] – cuộc chiến đã góp phần mang lại cho ông kinh nghiệm về việc sử dụng pháo binh,[1] Kraft được bổ nhiệm làm một đại úy trong Bộ Tổng tham mưu, và vào năm 1856 trở thành lính hầu của nhà vua, tuy viện, ông vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với binh chủng pháo binh. Vào năm 1864, sau khi được thăng cấp thiếu tá và sau đó là thượng tá, ông đã khước từ vai vế của mình trong Bộ Tổng tham mưu, để trở thành tư lệnh của trung đoàn Pháo dã chiến Cận vệ mới được thành lập. Sang năm sau (1865), ông lên chức đại tá.[5]

Vào năm 1866, cuộc Chiến tranh Áo-Phổ bùng nổ, và đây là lần đầu tiên Kraft thực sự được trải nghiệm trong chiến tranh. Trong đợt tấn công quyết liệt của Quân đoàn Vệ binh Phổ nhằm vào cánh phải của quân Áo tại trận đánh quyết liệt ở Königgrätz-Sadowa vào ngày 3 tháng 7 năm 1866, ông đã chỉ huy thành công vang dội lực lượng pháo binh trừ bị của Vệ binh, và sau cuộc chiến ngắn ngủi này ông dồn năng lực của mình, giờ đã được củng cố bằng kinh nghiệm mà ông rút ra, vào việc huấn luyện chiến thuật cho lực lượng pháo binh Phổ.[2][5]

Vào năm 1868, Kraft được thăng cấp Thiếu tướng và trao cho quyền chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh Cận vệ. Trên cương vị này[5], ông đã tận dụng các kinh nghiệm của mình để chỉ huy pháo binh Cận vệ Phổ với thành công rất lớn trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (18701871). Có thể thấy, tại trận Sadowa năm 1866, pháo binh Phổ di chuyển chậm đến chiến trường do chỉ đi theo sau đội hình hàng dọc của Phổ. Trái lại, trong trận Gravelotte–St. Privat vào ngày 18 tháng 8 năm 1870, Vương công Hohenlohe đã đặt lực lượng pháo binh của mình dẫn đầu đoàn quân, nhờ đó các khẩu đại bác của Phổ nhập trận nhanh chóng, bẻ gãy được tất cả mọi nỗ lực phản công của quân đội Pháp. Bên cạnh sự triển khai pháo binh mạnh mẽ như vậy, mỗi khẩu đại bác của Kraft còn được ông bố trí một xe goòng, để cho các cỗ pháo của mình luôn luôn được tiếp tế về đạn dược. Ngoài ra, với Kraft, các khẩu pháo của Đức cũng bắn theo một cách thông minh hơn. Có thể thấy, trong trận Sedan vào ngày 1 tháng 9 năm 1870, Hohenlohe đã tiến hành oanh kích một cách có hệ thống toàn bộ khu rừng Bois de la Garenne. Ông đặt 10 khẩu đội pháo của mình trên một cao điểm nhìn ra vị trí phòng ngự của quân Pháp, và chỉ định mỗi khẩu đội nã đạn vào một khu vực khác nhau mà ông đã xác định.[1] Cuộc oanh kích của ông đã làm tê liệt sức kháng cự của quân Pháp[1]. Sau khi sự tập trung hỏa lực "kiểu Napoléon" này tiêu diệt pháo binh Pháp ở tầm bắn xa, người Đức chia pháo binh của mình thành nhiều đơn vị nhỏ để yểm trợ bộ binh tấn công đối phương. Việc yểm trợ này thường được thực hiện ở tầm rất gần, mặc dù quân Phổ chịu nhiều thiệt hại do súng trường Chassepot của Pháp gây ra. Một khi bộ binh Phổ tấn công vị trí của quân Pháp, họ chỉ vấp phải sự kháng cự yếu ớt của địch thủ.[6]

Mặc dù trên thực tế, quân đội Phổ - Đức phải chịu thương vong khoảng 460 sĩ quan và 8.500 binh lính tại Sedan, thắng lợi quyết định của họ đã mang lại cho phía Pháp những thiệt hại rất lớn, và Hohenlohe đã viết trong Thư từ về pháo binh của ông (1888): "Ưu thế của chúng ta thật quá vượt bậc đến mức chúng ta không chịu thiệt hại nào cả".[7] Ngoài ra, cũng chính ông đã trực tiếp chỉ đạo cuộc công pháo vào Paris, khởi đầu từ ngày 5 tháng 1 năm 1871.[1] Vào năm 1873, ông được trao quyền chỉ huy một sư đoàn bộ binh, và 3 năm sau ông lên chức Trung tướng. Trong khi ông nghỉ hưu vào năm 1879, ông được thăng cấp Thượng tướng Bộ binh năm 1883. Đến năm 1889, Đức hoàng (Kaiser) Wilhelm II đã phong ông làm Thượng tướng Pháo binh.[4][5]